Thiết kế và đặc tính Duilio (lớp thiết giáp hạm)

Bản vẽ thiết kế xuất xưởng của lớp thiết giáp hạm Duilio

Lớp Duilio được thiết kế bởi kiến trúc sư hải quân - Phó Đô đốc (Generale del Genio navale) Giuseppe Valsecchi và được chế tạo nhằm đối phó với kế hoạch xây dựng lớp thiết giáp hạm Bretagne của Hải quân Pháp. Do thiết kế lớp thiết giáp hạm tiền nhiệm Conte di Cavour được đánh giá cao về sự hiệu quả, nên nhiều tính năng của lớp đó đã được áp dụng vào việc phát triển lớp Duilio với những sửa đổi nhỏ. Những sửa đổi nhỏ bao gồm việc tối giản hóa hệ thống thượng tầng bằng cách rút ngắn phần boong trên (forecastle deck) ở khu vực mũi tàu, hạ thấp độ cao tháp pháo đặt ở trung tâm tàu và nâng cấp hệ thống pháo hạng hai lên 16 khẩu pháo 152 mm để thay thế cho 18 khẩu pháo 120 mm đời cũ.[2]

Đặc tính

Lớp Duilio có chiều dài 168,9 m (554 ft 2 in) ở mực mạn nước và chiều dài tổng thể đạt 176 m (577 ft 5 in). Mạn thuyền của lớp rộng 28 m (91 ft 10 in) và có mức mớn nước thiết kế là 9,4 m (30 ft 10 in). Mức tải trọng choán nước thiết kế của lớp là 22.956 tấn Anh (23.324 t) và đạt 24.729 tấn Anh (25.126 t) khi đầy tải.[3] Lớp Duilio được áp dụng hệ thống đáy kép với 23 khoang kín nước, và hai bánh lái được lắp đặt ở trung tâm tàu. Biên chế tiêu chuẩn của các tàu gồm 31 sĩ quan và 969 hạ sĩ quan, thủy thủ cấp thấp.[4]

Động cơ đẩy

Thiết giáp hạm Duilio đang được chế tạo tại Arsenale di La Spezia, La Spezia,1913-1915

Lớp Duilio sử dụng ba cụm động cơ tuabin hơi nước Parsons, được chia đều cho ba phòng máy riêng lẻ. Phòng máy trung tâm được còn được lắp đặt thêm một bộ động cơ tuabin để tạo năng lượng vận hành hai trục chân vịt trung tâm của tàu, và ở hai bên phòng máy trung tâm là các phòng động cơ tuabin riêng lẻ, có nhiệm tạo năng lượng vận hành cho hai trục chân vịt còn lại ở hai bên rìa của trục trung tâm. Các tuabin của tàu được cung cấp năng lượng bởi 20 nồi hơi nước Yarrow, 8 máy chạy bằng dầu và 12 máy chạy bằng than phun dầu. Được thiết kế để đạt được vận tốc tối đa 22 kn (41 km/h; 25 mph) với công suất 32.000 hp (24.000 kW), không chiếc nào trong lớp đạt được kết quả này trong các buổi thử máy, và chỉ đạt được vận tốc tối đa từ 21 đến 21,3 kn (38,9 đến 39,4 km/h; 24,2 đến 24,5 mph). Andrea DoriaDuilio được thiết kế để mang tối đa khoảng 1.488 tấn Anh (1.512 t) tấn dầu và 886 tấn Anh (900 t) dầu, giúp chúng đạt được tầm hoạt động tối đa là 4.800 nmi (8.900 km; 5.500 mi) ở vận tốc 10 kn (19 km/h; 12 mph).[5]

Hệ thống vũ khí

Thiết giáp hạm Andrea Doria đang khai hỏa pháo 305 mm trong một buổi huấn luyện tác xạ, 1916

Cấu hình vũ khí chính của tàu bao gồm 13 khẩu pháo 305 mm được thiết kế bởi hãng Armstrong Whitworth và Vickers, được lắp đặt trong năm tháp pháo.[6][7] Các tháp pháo được đặt thẳng hàng theo đường trung tâm của tàu, với một tháp pháo hai nòng đặt lên cao phía sau (superfiring) một tháp pháo ba nòng ở khu đầu và đuôi tàu, và tháp pháo thứ năm được đặt ở trung tâm tàu, với các định danh lần lượt là 'A', 'B', 'Q', 'X', và 'Y' từ đầu đến cuối. Tháp pháo có thể đạt được các góc bắn từ −5° đến +20° và mỗi tháp pháo có thể mang tối đa 88 viên đạn. Theo nhà sử học hải quân Giorgio Giorgerini, mỗi viên đạn xuyên giáp (AP) nặng 452 kg có thể bắn đi với vận tốc đầu nòng 840 m/s (2.800 ft/s) với cường độ bắn là khoảng một viên/phút, và có tầm bắn tối đa là khoảng 24.000 m (26.000 yd).[8]

Hệ thống pháo phụ của tàu bao gồm 16 khẩu pháo 152 mm của hãng Armstrong Whitworth, được lắp trong các ụ pháo kín và đặt ở bên dưới, bao bọc các bên của tháp pháo chính.[9] Các khẩu pháo này có góc hạ thấp nhất là −5° và đạt được góc nâng tối đa là +20°. Tốc độ bắn của chúng là khoảng sáu viên/phút, và mang được tối đa 3.440 viên đạn cho toàn bộ 16 khẩu. Đạn pháo nặng 47 kg và có thể bắn đi với vận tốc đầu nòng 830 m/s (2.700 ft/s) tới khoảng cách tối đa 16.000 m (17.000 yd). Để chống lại các mục tiêu như tàu phóng lôi, các tàu được trang bị 19 khẩu pháo 76 mm, và có thể được bố trí ở 39 vị trí khác nhau, bao gồm cả trên nóc tháp pháo chính và khoang trên. Các khẩu pháo này có góc nâng tương tự các khẩu pháo 152 mm, nhưng có tốc độ bắn cao hơn là 10 viên/phút. Chúng sử dụng đạn AP nặng 6 kg (13 lb), có vận tốc đầu nòng 815 mét trên giây (2.670 ft/s) và đạt khoảng cách bắn tối đa 9.100 m (10.000 yd). Ngoài ra, mỗi tàu cũng được lắp đặt thêm ba máy phóng ngư lôi 45 mm (1,8 in) ngầm, với mỗi máy đặt ở hai bên mạn tàu, và máy thứ ba được đặt ở đuôi tàu.[10]

Giáp

Đai giáp chính của lớp Duilio dày tối đa 250 mm (9,8 in) và giảm dần xuống còn 130 mm (5,1 in) ở đuôi tàu và 80 mm (3,1 in) ở mũi tàu. Bên trên đai giáp chính là một lớp đường ván dày 220 mm (8,7 in) và kéo dài đến phần mép dưới của boong chính.[11] Phía trên đường ván là một lớp giáp mỏng hơn, dày 130 mm, được thiết kế để bảo vệ các dãy pháo phụ của tàu. Các tàu lớp này có hai sàn bọc thép: sàn chính bao gồm hai lớp kim loại kẹp vào nhau, dày 24 mm (0,94 in) và được gia cố bằng một lớp nữa để tăng độ dày lên đến 40 mm (1,6 in) tại các sườn nối với đai giáp chính. Lớp sàn thứ hai dày 29 mm (1,1 in). Đai giáp chính và các lớp sàn được liên kết với nhau bởi các vách ngăn ngang ở khu vực mũi và đuôi tàu.[12]

Mặt trước của tháp pháo chính được bao bọc bởi một lớp giáp dày 280 mm (11,0 in), hai bên tháp dày 240 mm (9,4 in), và một lớp giáp dày 85 mm (3,3 in) ở cả trần và đuôi tháp pháo. Bệ tháp pháo dày 230 mm (9,1 in) đựoc bảo vệ bởi một lớp giáp dày tối đa 230 milimét (9,1 in) đặt trên sàn tàu và 180 milimét (7,1 in) tại khu vực giữa sàn chính và mũi tàu, và dày 130 mm ở bên dưới sàn chính. Đài chỉ huy phía trước được bọc bởi một lớp kim loại dày 320 mm (12,6 in) và đài chỉ huy phía sau dày 160 mm (6,3 in).[12]